Kính thưa các thầy giáo, cô giáo và các bạn học sinh thân mến
Học sinh tiểu học mới bắt đầu những bước chập chững vào cuộc sống, vào thế giới tri thức vô tận của nhân loại. Không phải chỉ cần đem lại cho các em những tri thức, vốn hiểu biết là đủ, chúng ta còn phải chỉ bảo, dạy cho các em biết ứng xử, giáo dục hình thành nhân cách cho các em. Muốn con em mình trở thành một người có tài, có đức sau này thì chính chúng ta phải làm gương, phải ứng xử với các em thật khôn ngoan, khéo léo. Trong độ tuổi này, các em thường có xu hướng thần tượng người lớn, thường mong được “xinh đẹp như mẹ, khỏe mạnh như cha hoặc thông minh, giỏi giang, cái gì cũng biết như thầy cô giáo…” Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể độc đoán, cứng nhắc, bắt con em phải răm rắp nghe theo lời mình. “Cây non dễ uốn”, bạn nên lựa theo tâm lý non nớt của các em để dạy dỗ các em thành người.
Khi giao tiếp với trẻ em là học sinh tiểu học, đôi khi chúng ta gặp rất nhiều những tình huống sư phạm mà ta không dễ gì tìm ra cách để giải quyết cho hợp tình, hợp lý và thỏa đáng nhất. Để giáo dục tốt được học sinh của lứa tuổi này, trước hết ta phải hiểu rõ được đặc điểm tâm sinh lý của các em.
Chính vì vậy, khi biên soạn cuốn sách “Ứng xử sư phạm với học sinh tiểu học” các tác giả đã đưa vào đầu cuốn sách phần “Tìm hiểu tâm lý học sinh tiểu học”. Phần hai của cuốn sách là những tình huống sư phạm điển hình, thường gặp khi giao tiếp với học sinh tiểu học và phần phân tích về ưu, nhược điểm của các cách ứng xử, bao gồm 22 tình huống giữa cha mẹ với con cái và 22 tình huống giữa giáo viên với học sinh. Phần ba là một số câu chuyện hay về những tình huống sư phạm.
Rất mong cuốn sách sẽ là một cơ sở để gợi ý cho bạn đọc có thể ứng xử bao dung, tinh tế hơn và giáo dục con em mình tốt hơn.
Thư viện nhà trường chân trọng giới thiệu cuốn sách đế quý thầy cô và các bạn học sinh